0904645388A46TT19 Nguyễn Khuyến-Văn Quán-Hà Đông-Hà Nội

HỢP CHUẨN HỢP QUY

I. Khái niệm hợp chuẩn, hợp quy

1. Chứng nhận hợp chuẩn (Certificate standards)

      Giấy hợp chuẩn hay còn được gọi là giấy chứng nhận phù hợp Tiêu Chuẩn là sự công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn tương ứng.

Sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm để làm chuẩn phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng  khác trong hoạt động kinh tế – xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.

2. Chứng nhận hợp quy (Certificate regulation)

      Có tên khác là Giấy chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật là việc đánh giá, xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

II . Sự khác nhau giữa hợp chuẩn và hợp quy

      Căn cứ pháp lý: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 và Thông tư 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

      Trong đó, về nguyên tắc, công bố hợp chuẩn và công bố hợp quy đều là hoạt động của tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với các quy định tương ứng. Tuy nhiên cần nhận biết được sự khác nhau giữa công bố hợp chuẩn và công bố hợp quy

1. Tiêu chuẩn là: 

      Quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá các đối tượng trong hoạt động kinh tế – xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng. Áp dụng cho sản phẩm nhóm 1 theo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, đây là nhóm sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng.

1.1. Công bố hợp chuẩn:

       Là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng. (khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN). Đây là hoạt động tự nguyện, không mang tính bắt buộc. Công bố phù hợp tiêu chuẩn tương ứng dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký thực hiện hoặc kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn.

1.2. Nơi công bố hợp chuẩn: 

      Các tổ chức cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ nộp tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp tỉnh; nếu đầy đủ hồ sơ, đơn vị này sẽ chấp nhận và Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn cho tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn. Dấu hợp chuẩn không bắt buộc.

2. Quy chuẩn kỹ thuật là

      Quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn. Áp dụng cho sản phẩm nhóm 2 theo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Đây là sản phẩm có khả năng gây mất an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng.

2.1. Công bố hợp quy: 

      Là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. (khoản 2 Điều 3 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN). Đây là hoạt động bắt buộc và đối tượng của công bố hợp quy là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành hoặc được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật địa phương do Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.

2.2. Nơi công bố hợp quy: 

      Các tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ nộp tại cơ quan chuyên ngành (các Sở chuyên ngành); nếu đầy đủ hồ sơ, đơn vị này sẽ chấp nhận và Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy. Dấu hợp quy (CR) bắt buộc sử dụng trên sản phầm, hàng hóa đã được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.

      Kết luận: Từ những nội dung trên, khi sản phẩm được chứng nhận có nghĩa là sản phẩm đó có các chỉ tiêu chất lượng, vệ sinh an toàn phù hợp với qui định trong tiêu chuẩn (hoặc quy chuẩn kỹ thuật) có liên quan. Điều này đã tạo lòng tin của khách hàng đối với nhà sản xuất, góp phần nâng cao uy tín của nhà sản xuất, vì thế giúp cho nhà sản xuất dễ dàng trong việc mở rộng thị trường và thuyết phục khách hàng chấp nhận sản phẩm.